1. Napoleon (1927)
Bộ phim của đạo diễn người Pháp Abel Gance là một kiệt tác của thời kỳ phim câm. Gần như tất cả mọi cảnh trong phim đều có sự đổi mới, đặc biệt là trong trường đoạn tam liên hoạ (triptych) của phim. Abel Gance sắp đặt ba máy quay và biến khuôn hình 4:3 của ông thành khuôn hình rộng 2:1. Ba hình ảnh trở thành một. Với nhiều hơn một khung hình được mở rộng (và có những lúc không đều nhau), Gance đã sử dụng thêm màn hình cho các hình ảnh, biểu tượng, và tương phản. Đây là một bước tiến vô cùng hoành tráng trên màn ảnh rộng trong thời kỳ phim câm.
2. Safety Last (1923)
Đây là một trong những bộ phim hài hước nhất của lịch sử điện ảnh và là bộ phim hay nhất của đạo diễn Harold Lloyd. Bộ phim này đầy rẫy các chi tiết bông đùa từ khung hình đầu tiên đến khung hình cuối của phim. Bộ phim có trường đoạn tháp đồng hồ nổi tiếng tới mức ngay cả những người chưa xem phim cũng có thể nhận ra. Đó là sức mạnh hình ảnh của vị đạo diễn đầy chiêu trò này.
3. Faust (1926)
Không có danh sách phim câm nào có thể hoàn chỉnh mà thiếu chủ nghĩa biểu hiện Đức, một trong những phong trào nghệ thuật mạnh mẽ nhất của điện ảnh. Dòng phim này nổi tiếng với những bối cảnh góc cạnh, có nhiều hình khối, và những dòng trần thuật đầy ám ảnh. Faust là một tác phẩm thành tựu của chủ nghĩa nghệ thuật này. Mở đầu phim, ác quỷ Mephisto gây ra một dịch bệnh ở ngôi làng của Faust. Thay vì thể hiện qua dựng phim, Murnau tìm ra cách mô tả bằng hình tượng trong từng hình ảnh, với bố cục và những phát minh thị giác gây choáng ngợp.
4. A Cottage on Dartmoor (1929)
Đây là bộ phim hay nhất của đạo diễn Anthony Asquith (con của thủ tướng H. H. Asquith). Ông là một bậc thầy kể chuyện bằng hình ảnh. Một cảnh phim diễn ra trong rạp, trong một cú xoay mang tính phản thân, máy quay xoay từ màn ảnh và chỉ vào khán giả. Bằng cách cắt các cảnh giữa nhân vật phản diện, con mồi ngây thơ của hắn, và những phản ứng với hành động (không nhìn thấy) trên màn ảnh, Asquith tạo ra rất nhiều cảm xúc và xung đột. Phim đầy những cú cắt đan xen hình ảnh những gương mặt, hồi tưởng, ảo tưởng.
5. Strike (1925)
Đối lập với phong cách đậm chủ nghĩa biểu hiện của Vertov, Sergei Eisenstein coi phong cách của ông là “nắm đấm điện ảnh” (cine-fist). Điện ảnh của Eisenstein là một điện ảnh mang bản chất ý thức hệ và lý thuyết dựng phim dựa trên những gì loạt hình ảnh cùng truyền tải thay vì từng hình ảnh đơn lẻ. Strike là một ví dụ mạnh mẽ.
6. Man With a Movie Camera (1929)
Bộ phim này là một tác phẩm hậu-hiện đại về kể chuyện bằng hình ảnh của nhà làm phim Liên Xô Dziga Vertov. Đạo diễn Vertov muốn truyền đạt về lý thuyết “con mắt điện ảnh” (cine-eye) của ông. Vertov cho rằng chiếc máy quay có khả năng đi tới nơi con mắt con người không thể tới. Bằng cách tận dụng điểm nhìn độc đáo của nó, những sự thật và thực tại không thể nhìn thấy sẽ được hé lộ. Mục đích của Vertov là để thể hiện một phiên bản của thực tại và ống kính máy quay là phương tiện biểu đạt của ông.
7. The Passion of Joan of Arc (1928)
Đây là bộ phim đầu tay của đạo diễn người Đan Mạch Carl Theodore Dreyer. Khi làm một bộ phim về bối cảnh “cuộc chiến tranh một trăm năm”, Dreyer đã tạo ra một collage hình ảnh gồm các cảnh đặc tả với những góc máy sắc bén (không theo quy luật) và những cú cắt để truyền tải sự vô tội và bi kịch của Joan. Ông thích sử dụng bối cảnh tối giản và khám phá chuyển động máy quay, thay vì xây dựng một bối cảnh cổ trang với các chi tiết lịch sử. Đây là một thành tựu về mặt thị giác trong lịch sử điện ảnh.
(Nguồn: Raindance)