TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG ĐIỆN ẢNH - HỘI ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

CÁCH LÀM TRAILER CHO PHIM

Nội dung chính

Trailer phim là gì?

Hầu hết mọi bộ phim đều cần trailer để cập nhật và giới thiệu với công chúng, cũng như mời gọi khán giả đến xem phim. Trailer phim là một sản phẩm quảng cáo thương mại được tạo thành bởi một loạt cảnh hấp dẫn. Các cảnh này được dựng với nhau để có thể phát sóng ở nhiều nền tảng khác nhau, trong thời lượng khoảng từ một đến ba phút.

Trailer đóng một vai trò mấu chốt để tạo nên ấn tượng đầu tiên của bộ phim. Trailer tăng cường những cảm xúc của một câu chuyện. Ví dụ, trailer tạo ra cảm xúc phấn khích đối với một bộ phim hành động hoặc cảm giác sợ hãi lạnh người với một bộ phim kinh dị. Ngược lại, trailer phim hài mang đến tiếng cười.

Khái niệm trailer xuất hiện lần đầu tiên tại New York vào năm 1913. Nils Granlund, một nhà quản lý marketing của chuỗi rạp chiếu phim Marcus Loewl, là người đã tạo ra một trailer cho một chương trình sân khấu. Sau đó, ông thiết kế trailer cho các bộ phim, bao gồm các phim hài của Charlie Chaplin. Các nhà làm phim và chủ rạp đã đi theo sáng kiến của Nils Granlund. Đến ngày nay, tất cả mọi bộ phim, đặc biệt là tại Hollywood đều cần có trailer khi phát hành.

Ban đầu, trailer được trình chiếu sau khi bộ phim được hoàn tất. Sau đó, các xưởng phim nhận ra rằng khán giả có thể bỏ ra ngoài rạp trước khi họ chiếu trailer. Do đó, các nhà làm phim bắt đầu tạo ra trailer và cho khán giả xem từ trước khi phim được phát hành. Vì lý do này, các trailer còn được gọi là “preview” (xem thử trước).

Các yếu tố cần có trong trailer phim

1. Ngắn gọn, súc tích

Độ dài thời lượng trailer chỉ được kéo dài từ một đến ba phút.

2. Cho thấy chủ đề, thể loại và dàn diễn viên chính

Nắm được sự chú ý của khán giả ngay từ đầu bằng cách cho khán giả biết về:
• Thể loại phim: Hành động, hài, kinh dị, vv…
• Các nhân vật chính trong phim: Nhân vật chính diện, phản diện, nhân vật chính thứ hai. Đôi khi nhân vật phản diện lại bị giấu đi để khán giả tò mò.
• Tâm trạng và tông giọng của phim: Sự căm ghét, châm biếm, nghiêm túc, hài hước, vv… Hành động và lời thoại của các nhân vật thiết lập tâm trạng và chủ đề của phim.

3. Chọn bảng màu một cách khôn khéo

Màu sắc đóng vai trò truyền tải tâm trạng, chủ đề, thể loại, bối cảnh của phim, ngang bằng với vai trò truyền tải của âm nhạc, góc máy, ánh sáng.

4. Khớp trailer với tông giọng của phim

Trailer phim cần có tông nền phù hợp với tông giọng của bộ phim. Ví dụ: Trailer phim kinh dị không thể sử dụng âm thanh giống phim hài.

5. Phân biệt được các loại trailer

Trailer phim khác với đoạn giới thiệu ngắn ban đầu về phim (teaser trailer). Để phân biệt, giới thiệu ngắn teaser có các đặc điểm sau: Độ dài ngắn hơn một phút, chỉ có chức năng thông báo và thiếu các đoạn phim thật trong phim, tạo ra quảng cáo phim từ trước khi phim quay xong và không tiết lộ nhiều thông tin trong cốt truyện, chỉ cho biết thời gian phát hành chung chung như “sắp ra mắt trong năm 2022”.

Hãy lên kế hoạch kĩ càng và tạo trailer theo 7 bước sau đây:

1. Sử dụng cấu trúc ba hồi

Các trailer thường có cấu trúc ba hồi giống như phim ngắn và phim dài. Tuy nhiên, điểm khác biệt là trailer thường bắt đầu bằng một “mở đầu lạnh”. Đây là kỹ thuật kể chuyện mà bạn nhảy trực tiếp vào câu chuyện ngay từ đầu.

Mở đầu lạnh (Cold open): Mục đích của mở đầu lạnh là để kích thích sự tò mò của khán giả. Do đó, mở đầu này thường bao gồm một trường đoạn hành động hoặc một cảnh hài hước. Yêu cầu đặt ra của mở đầu trailer là cần ngắn gọn, thú vị, không yêu cầu khán giả cần phải biết về bối cảnh.

Tiếp sau mở đầu lạnh là logo phim. Sau đó, trailer bước vào Hồi 1.

  • Hồi 1: Mục đích của hồi 1 là để giới thiệu ý tưởng của câu chuyện và các nhân vật . Ý tưởng câu chuyện có thế được giới thiệu thông qua trình bày hoặc chất vấn để khiến khán giả nghĩ ngợi.
  • Hồi 2: Pha trộn một vài cảnh với nhau để làm nổi bật mâu thuẫn trong phim hoặc giới thiệu nhân vật phản diện. Hồi 2 thường tạo ra cảm giác hoài nghi và không rõ ràng, chắc chắn.
  • Hồi 3: Sử dụng những cảnh kịch tính và hoành tráng nhất. Các cảnh trong hồi 3 dẫn đến cao trào, làm choáng ngợp khán giả, gây hồi hộp và phấn khích. Tuy nhiên, tại đỉnh điểm của cao trào, trailer kết thúc bằng tên phim.

2. Tìm đoạn phim phù hợp

Mặc dù nội dung hình ảnh là cốt lõi trong một trailer, bạn cũng cần phải ưu tiên những cảnh hấp dẫn về mặt cảm xúc. Hãy tìm những cảnh có khả năng lôi kéo khán giả nhưng không làm lộ những điểm quan trọng trong cốt truyện. Ví dụ, bạn có thể dùng những câu nói đùa hài hước nhất trong một phim hài. Sau khi đã chọn được các cảnh cần thiết, bạn tập hợp các đoạn phim trong một folder để sau đó có thể dễ dàng dựng thành trailer.

3. Sử dụng lồng tiếng hoặc chữ để kể chuyện

Truyền tải cốt lõi câu chuyện trong trailer bằng lồng tiếng và chữ trên màn hình. Các câu thoại trong phim cũng có thể được tái sử dụng làm phần lồng tiếng để giới thiệu câu chuyện trong trailer.

4. Dùng âm nhạc để thiết lập đúng tông

Âm nhạc phù hợp có thể nâng cao hiệu quả trong trailer. Hãy chọn âm nhạc theo cảnh phim bạn sử dụng. Trong hồi 1, chọn âm nhạc chầm chậm để lôi kéo sự chú ý của khán giả, tạo cảm xúc về sự mong đợi. Khi chuyển sang hồi 2, chọn âm nhạc làm phấn khích người xem.

5. Storyboard

Trong trailer, bạn phải cô đọng các chi tiết có thể hấp dẫn khán giả. Do đó, kịch bản hình vẽ (storyboard) có thể giúp bạn lắp ghép trailer một cách hiệu quả và thuận tiện khi dựng phim.

6. Dựng phim

Hãy đảm bảo là bạn làm việc một cách độc lập khỏi toàn bộ phim và không dựng phim theo trình tự tiếp diễn. Bằng cách này, bạn có thể giấu các bước ngoặt trong cốt truyện. Ngoài ra, bạn còn có thể tăng tốc độ các cú cắt và chuyển cảnh theo cấu trúc 3 hồi. Trong hồi 1, bạn có thể chọn những cú cắt và chuyển cảnh rộng rãi. Sang hồi 2, bạn có thể tăng tốc độ lên cho đến khi đạt đỉnh điểm cao trào, gần lúc vấn đề được giải quyết.

7. Đề cao ngôi sao của bộ phim

Khi trailer đang đến cao trào, bạn có thể cho xuất hiện giới thiệu dàn diễn viên của phim. Đây là danh sách các diễn viên trong phim và có bao gồm cả đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch, những người có thể gây sự chú ý của khán giả.

(Nguồn: NFI)

Bài viết liên quan

11 LỖI RẬP KHUÔN BẠN CẦN TRÁNH KHI LÀM PHIM NGẮN

Lỗi rập khuôn (cliché) là lỗi mà các nhà làm phim thường dễ mắc phải khi bị bí ý tưởng. Nhận thức và hiểu được về các lỗi rập khuôn…

Xem ngay

8 CÁCH QUẢNG BÁ PHIM NGẮN CỦA BẠN

Làm phim ngắn là con đường để nhà làm phim có thể tích lũy kinh nghiệm thực tế, nâng cao kỹ năng, mở rộng mối quan hệ, từ đó có…

Xem ngay

3 CÁCH CHUYỂN ĐỔI GIỮA DIỄN XUẤT SÂN KHẤU VÀ PHIM

Từ giai đoạn thử vai cho đến sản phẩm cuối cùng, diễn xuất trên sân khấu và trên phim đặt ra những đòi hỏi khác nhau đối với người diễn…

Xem ngay

Leave the first comment